CÁC QUY ĐỊNH PHI THƯƠNG MẠI TRONG CÁC FTA THẾ HỆ MỚI CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ KHẢ NĂNG THÚC ĐẨY GIÁ TRỊ CHÂU ÂU Ở PHẠM VI TOÀN CẦU

TS. Vũ Kim Ngân

Giảng viên, Khoa Luật, Đại học Ngoại Thương

Tóm tắt

Bên cạnh việc có mức độ cam kết sâu và rộng, sự xuất hiện của các quy định phi thương mại được xem là một đặc trưng căn bản trong các FTA thế hệ mới, nhất là với những hiệp định của Liên minh Châu Âu (EU). Cho dù đối tác là nước phát triển hay đang phát triển, EU vẫn nhất quán trong việc ‘xuất khẩu’ các giá trị phi thương mại, gồm có yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, quản trị hiệu quả và quyền con người trong các hiệp định song phương với đối tác. Dù tồn tại nghịch lý, chính các hiệp định thương mại tự do lại có vai trò như là công cụ tạo thuận lợi cho việc truyền bá các giá trị phi thương mại của EU trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt với các nước đang phát triển. Tuy vậy, mức độ và khả năng tác động của những quy định này đối với thực tiễn các vấn đề phi thương mại tại các nước đang phát triển vẫn cần được nghiên cứu thêm. Bài viết này hướng tới việc làm rõ mục tiêu và cơ sở của EU khi đưa các nội dung phi thương mại vào FTA, tìm hiểu ảnh hưởng về mặt pháp lý của các quy định này và xem xét tác động đối với việc bảo tồn và bảo vệ các giá trị phi thương mại tại các nước đối tác của EU. Trên cơ sở phân tích nội dung cụ thể của FTA thế hệ mới của Liên minh Châu Âu, bài viết chỉ ra rằng mặc dù EU có mục tiêu tham vọng trong việc xuất khẩu các giá trị phi thương mại, việc thực thi các quy định này trên thực tế lại phụ thuộc vào ý chí của các bên trong khi vấn đề bảo vệ các giá trị phi thương mại ở nước đối tác còn mang tính chính trị và không phải lúc nào FTA cũng có chế tài dành cho bên vi phạm. Ngoài ra, bài viết cũng chỉ ra những cơ sở để các đối tác của EU, cụ thể là quốc gia thuộc ASEAN, chấp nhận nhóm quy định phi thương mại trong các FTA thế hệ mới song phương với EU.

Từ khoá: Liên minh Châu Âu, vấn đề phi thương mại, FTA thế hệ mới, giá trị Châu Âu, hài hoà hoá pháp lý, ASEAN