NCS. ThS Lê Tấn Phát
Nghiên cứu sinh Tiến sỹ khoa Luật Đại học Montreal, Giảng viên khoa Luật Quốc tế Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh
ThS Nguyễn Hoàng Thái Hy*
Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Các hiệp định thương mại thế hệ mới được biết đến với nỗ lực ghi nhận các mối quan tâm của nhân loại về môi trường và biến đổi khí hậu, nhằm tìm kiếm sự cân bằng với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các nỗ lực này chỉ có thể đạt được hiệu quả thông qua việc áp dụng các điều khoản cụ thể khi giải quyết tranh chấp như các tiêu chuẩn về đối xử và bảo vệ nhà đầu tư, các ngoại lệ cho quyền điều chỉnh pháp luật của quốc gia tiếp nhận vốn. Trong bối cảnh ngôn ngữ của các điều khoản này còn mơ hồ và tạo ra nhiều cách giải thích, các cơ quan tài phán có xu hướng viện dẫn đến “Đối tượng và mục tiêu” của điều ước quốc tế để đưa ra cách giải thích phù hợp nhất. Mục tiêu “Phát triển bền vững” được kỳ vọng là một yếu tố quan trọng trong việc giải thích pháp luật nhằm tạo ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát triển xã hội. Tuy nhiên, khi áp dụng mục tiêu này để giải thích các điều khoản cụ thể thì không đạt được kỳ vong vì bản thân khái niệm này còn nhiều tranh cãi. Bài viết này đề xuất một mục tiêu khác phù hợp hơn, cùng với “công cụ” là nguyên tắc thiện chí trung thực (principle of good faith) để đạt đến sự cân bằng các lợi ích xung đột và đóng góp vào việc giải thích thống nhất điều ước quốc tế về đầu tư.
Từ khóa: phát triển bền vững, nguyên tắc thiện chí trung thực, giải thích điều ước đầu tư quốc tế