TS.Nguyễn Thị Bích
Giảng viên Khoa Luật Dân sự -Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Tóm tắt:
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới thông qua việc tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới, gần đây nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA.
Để các nội dung Việt Nam đã cam kết trong hai Hiệp định trên được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn, Việt Nam cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách theo lộ trình. Điều này có tác động không nhỏ đến hệ thống pháp luật lao động Việt Nam bởi một trong các nội dung quan trọng hai Hiệp định hướng tới đều bao gồm vấn đề về lao động với trọng tâm là: i) Tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể, ii) Chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc, iii) Loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em, iv) Chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Trong đó, quyền tự do liên kết của người lao động (NLĐ) là nội dung cam kết được quan tâm đặc biệt vì đây điểm mới mà hệ thống pháp luật lao động Việt Nam trước đó chưa được ghi nhận cụ thể. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày một số điểm tác động của Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA đến quyền tự do liên kết của NLĐ trong các doanh nghiệp Việt Nam. Bài viết có kết cấu gồm ba phần:
i) Quyền tự do liên kết của NLĐ theo Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA;
ii) Tác động Hiệp định CPTPP và EVFTA đến các quy định của pháp luật lao động Việt Nam về quyền tự do liên kết của NLĐ;
iii) Trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mở rộng quyền tự do liên kết cho NLĐ theo Hiệp định CPTPP và EVFTA.