SỰ BẤT CÂN XỨNG GIỮA QUYỀN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VỚI QUYỀN BAN HÀNH CHÍNH SÁCH VỀ MÔI TRƯỜNG CỦA QUỐC GIA VÀ GIẢI PHÁP THÔNG QUA CÁC QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI

Đỗ Thị Thu Hà

Nguyễn Phú Kim Thư

Sinh viên K41, Trường Đại học Luật TP. HCM

Tóm tắt

Đầu tư nước ngoài và bảo vệ môi trường vốn là các vấn đề trọng tâm của sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các tranh chấp đầu tư quốc tế liên quan đến vấn đề môi trường đã và đang ngày càng gia tăng. Thực tiễn tranh chấp cho thấy quyền ban hành chính sách của quốc gia đối với các vấn đề về môi trường, vốn thuộc quyền chủ quyền của quốc gia, có khả năng bị thách thức bởi các cáo buộc vi phạm nghĩa vụ bảo hộ đầu tư và yêu cầu bồi thường từ nhà đầu tư nước ngoài (“NĐTNN”). Hơn nữa, các hiệp định đầu tư quốc tế (“IIA”) truyền thống thường chỉ quy định nghĩa vụ của quốc gia đối với đầu tư nước ngoài, hiếm khi đưa ra nghĩa vụ tương xứng của NĐTNN về vấn đề bảo vệ môi trường ở quốc gia tiếp nhận đầu tư (“QGTNĐT”). Điều này tạo nên sự bất cân xứng quyền lợi giữa QGTNĐT và NĐTNN. Thực tế này đặt ra nhu cầu bức thiết phải có một công cụ nhằm cân bằng quyền và lợi ích của QGTNĐT và NĐTNN. Một trong những công cụ được kỳ vọng sẽ góp phần dung hoà quyền lợi của NĐTNN và QGTNĐT, tạo cơ sở vững chắc hơn cho QGTNĐT theo đuổi mục tiêu môi trường bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, đó chính là các điều khoản về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do (“FTA”) thế hệ mới. Bài viết này sẽ phân tích vai trò của các quy định về môi trường trong FTA thế hệ mới đối với việc khắc phục sự bất cân xứng giữa quyền của NĐTNN và quyền ban hành chính sách vì môi trường của quốc gia.

Từ khoá: điều khoản về môi trường, quyền ban hành chính sách, cân bằng sự bất cân xứng, đầu tư nước ngoài, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới