TS. Phạm Hồng Hạnh
ThS.NCS. Hà Thanh Hoà
Giảng viên, Khoa Pháp luật quốc tế - Trường Đại học Luật Hà Nội
Tóm tắt
Trong số các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể coi là những FTA thế hệ mới toàn diện nhất với những cam kết sâu rộng và toàn diện cùng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả những vấn đề phi thương mại như môi trường, trong đó có vấn đề quản lý bền vững tài nguyên rừng, cụ thể là gỗ.
Những năm vừa qua, ngành chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng. Chính sách của Chính phủ Việt Nam là ưu tiên phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trong sản xuất; và phấn đấu để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch. Để có thể đạt được mục tiêu này, một trong những yêu cầu quan trọng là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên có giá trị này, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi hiệu quả các cam kết trong các hiệp định có liên quan.