Nguyễn Thị Lan Hương
Nghiên cứu sinh ĐH Lausanne, Thuỵ Sĩ; giảng viên trường ĐH Luật Tp. HCM.
Trần Thị Thuận Giang
Thạc Sĩ, giảng viên trường ĐH Luật Tp. HCM.
Ngô Nguyễn Thảo Vy
Thạc Sĩ, giảng viên trường ĐH Luật Tp. HCM.
Bài viết này nhận được sự hỗ trợ từ chương trình HR2020 của Quỹ Marie Skłodowska-Curie theo thỏa thuận No 734712.
Tóm tắt
Sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của virus SARs-Covi-2 trên toàn thế giới cùng với mức độ tàn phá nghiêm trọng đến sức khoẻ con người của virus này khiến nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và an ninh quốc gia. Các biện pháp này, từ góc độ pháp luật đầu tư quốc tế, có thể bị xem là biện pháp tước đoạt tài sản của nhà đầu tư nếu biện pháp đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoản đầu tư và dó đó đặt ra nghĩa vụ bồi thường thoả đáng cho nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, học thuyết về quyền kiểm soát vì lợi ích công (police power) có thể được viện dẫn để giúp các quốc gia này không phải bồi thường cho nhà đầu tư, được phát triển theo thời gian và quy định cụ thể trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên như CP-TPP và EVFTA. Tuy nhiên, việc học thuyết này có được áp dụng khi xem xét một biện pháp do một nhà nước thực hiện để kiểm soát dịch bệnh hay không còn tuỳ thuộc vào quy định cụ thể của hiệp định bảo hộ đầu tư và mà quốc gia đó ký kết và việc giải thích hiệp định đó.
Bài viết này thảo luận về vấn đề bảo vệ sức khoẻ cộng đồng như một lợi ích công cộng để vận dụng học thuyết Police power trong bối cảnh đầu tư quốc tế, khi các quốc gia ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo lưu không gian chính sách cần thiết nhằm đảm bảo quyền bảo vệ sức khoẻ, an ninh và phúc lợi xã hội của nhà nước, đặc biệt đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bài viết cũng sẽ đánh giá tầm quan trọng của học thuyết này trong thực tiễn đàm phán các hiệp định đầu tư quốc tế, đặc biệt là các hiệp định mà Việt Nam là thành viên, nhằm khuyến nghị các quốc gia đánh giá lại các kế hoạch và chiến lược phát triển của mình nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.