ThS. Lê Trần Quốc Công
Giảng viên khoa luật Quốc tế, trường Đại học Luật TP. HCM
Tóm tắt
Internet đang dần thay đổi cách chúng ta vận hành thương mại quốc tế. Bên cạnh những khía cạnh thương mại truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ và các khía cạnh thương mại về sở hữu trí tuệ, kinh thế thế giới không thể phủ nhận sự tồn tại của thương mại dữ liệu. Khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới quốc gia trở thành một phần sống còn trong sự phát triển và vận hành kinh doanh thường nhật, đặc biệt là đối với doanh nghiệp đa quốc gia trong các lĩnh vực như IT, e-commerce, tài chính và công nghệ cao. Hầu như mọi hoạt động kinh tế mà trong đó có ứng dụng internet đều phải lệ thuộc vào việc thu thập, chuyển giao, xử lý thông tin dữ liệu của khách hàng, cá nhân, người tiêu dùng, thông tin kinh doanh….. “Không chuyển giao được dữ liệu, không có thương mại”[1] hoàn toàn có thể trở thành một rào cản thực tiễn cho thương mại xuyên biên giới quốc gia. Vấn đề là tại sao các quốc gia lại phải cản trở việc chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới quốc gia trong khi việc này là cực kỳ cần thiết cho hoạt động thương mại quốc tế? Câu trả lời đó chính là quyền riêng tư và an ninh mạng. Thực vậy, mỗi quốc gia sẽ có những giá trị văn hóa khác biệt nhau đối với hai phạm trù này, ở đâu, vấn đề quyền riêng tư được coi như là quyền con người thì các quy định về quyền riêng tư cũng sẽ khắc khe hơn.[2] Để thực hiện mục tiêu này, ý tưởng hạn chế dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, yêu cầu kỹ thuật khi lưu chuyển dữ liệu hay kể cả là yêu cầu người thu thập dữ liệu phải đặt dữ liệu tại lãnh thổ quốc gia của mình sẽ giúp quốc gia đó bảo vệ được khối dữ liệu (bao gồm cả các dữ liệu về cá nhân và phi cá nhân) khỏi những hành vi xâm phạm cả về quyền riêng tư và an ninh mạng, điều có thể sẽ khiến các thương nhân phải đầu tư nhiều hơn để đáp ứng. Chung quy lại, trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay, quốc gia luôn phải cân nhắc hai khía cạnh, một mặt là tự do hơn trong việc tiếp cận dữ liệu để thu hút đầu tư, phát triển thương mại nhưng mặt còn lại là những giá trị cốt lõi về quyền riêng tư, an ninh mà quốc gia cần phải bảo vệ.
Việt Nam cũng không ngoại lệ khi phải đối mặt với vấn đề này, đặc biệt là trong khuôn khổ những hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Một trong những các cam kết mới mà Việt Nam phải thực hiện là những quy định liên quan đến lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới. Việt Nam phải mở cửa tự do dich chuyển dữ liệu như thế nào và tác động của nó đối với hệ thống pháp luật hiện nay của Việt Nam ra sao sẽ là những vấn đề sẽ được phân tích trong bài viết này.
[1] “No Transfer, No trade” theo cách gọi của Kommerskollegium, National Board of Trade trong No Transfer, No trade – The importance of Cross-border Data Transfers for Companies Based in Sweden, Fisrt Edition, 01-2014, . ISBN: 978-91-86575-76-2.
[2] Gloria O. Pasadilla. Next generation non-tariff measure: Emerging data policies and barriers to digital trade, ARTNeT Working Paper Series No. 187, January 2020, Bangkok ESCAP.