NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VÀ THÁCH THỨC TRONG VIỆC THỰC THI TIÊU CHUẨN LAO ĐỘNG “XÓA BỎ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TRONG VIỆC LÀM VÀ NGHỀ NGHIỆP” THEO MỘT SỐ HIỆP ĐỊNH FTAS THẾ HỆ MỚI TẠI VIỆT NAM

TS Nguyễn Thị Bích

Gỉảng viên Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung luật pháp tương đối toàn diện về bảo vệ bình đẳng trong lao động. Điều đó vừa thể hiện quyết tâm chính trị của Nhà nước Việt Nam, vừa phản ánh nỗ lực của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đối với việc hiện thực hoá các công ước quốc tế của ILO trong luật quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn một số hiệp định thế hệ mới mang tính chiến lược như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA. Các FTAs mới sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển thị trường cho Việt Nam nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực luật lao động.

Để các nội dung đã cam kết trong hai Hiệp định trên được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn, Việt Nam cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, theo lộ trình đã cam kết. Điều này tác động không nhỏ đến hệ thống pháp luật lao động Việt Nam, bởi một trong các nội dung quan trọng mà hai Hiệp định này hướng tới đều bao gồm vấn đề về lao động với trọng tâm là các vấn đề như: i) Tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; ii) Chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; iii) Loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em; iv) Xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Trong đó, vấn đề xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp là một trong bốn tiêu chuẩn cốt lõi của ILO, thể hiện quan điểm nhất quán coi bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử là một yêu cầu trong việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày những vấn đề pháp lý và thách thức trong việc thực thi tiêu chuẩn lao động “xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp” theo các hiệp định FTAs thế hệ mới tại Việt Nam. Bài viết có kết cấu gồm 04 phần:

(1) Một số vấn đề pháp lý về tiêu chuẩn lao động “xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp”;

(2) Tiêu chuẩn lao động “xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp” theo một số FTAs thế hệ mới mà Việt Nam đã phê chuẩn (cụ thể là Hiệp định CPTPP và EVFTA);

 (3) Đánh giá tính tương thích của pháp luật lao động Việt Nam với tiêu chuẩn lao động “xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp” theo một số FTAs thế hệ mới mà Việt Nam đã phê chuẩn;

(4) Một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi tiêu chuẩn lao động “xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp” theo một số FTAs thế hệ mới tại Việt Nam.

Từ khóa: tiêu chuẩn lao động, phân biệt đối xử, chống phân biệt đối xử, việc làm và nghề nghiệp