Như nhiều quốc gia ven biển khác, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn trong bảo tồn đa dạng sinh học biển. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là các hành vi khai thác thiếu bền vững đối với thuỷ sản. Việc khai thác quá mức ngày càng tăng dẫn đến sự suy giảm các loài cá, đồng thời có thể tác động mạnh mẽ đến đặc tính sinh lý của các loài cá như suy giảm khối lượng cơ thể, dẫn tới thay đổi trong chu kỳ sinh sản và khả năng phục hồi đàn cá, chuỗi thức ăn và hệ sinh thái biển. Vấn đề môi trường, trong đó có đa dạng sinh học, đã được ghi nhận trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, điển hình là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu. Ngoài quy định chung về đa dạng sinh học, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học biển được điều chỉnh trực tiếp bằng quy định về quản lý tài nguyên sinh vật biển với những điều khoản liên quan đến bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên sinh vật biển. Nội dung bài viết sẽ phân tích thực tiễn thực thi cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới về bảo tồn đa dạng sinh học biển đối với tài nguyên thuỷ sản nhằm chỉ ra những kết quả tích cực đã đạt được cũng như những hạn chế trong quá trình thực thi cam kết, trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Từ khoá: Bảo tồn tài nguyên cá; giám sát tàu cá; IUU.