Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp đó. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề này càng cần được quan tâm. Bởi lẽ, khi mở rộng thị trường, hệ quả của hành vi xâm phạm nhãn hiệu sẽ nặng nề hơn và mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng nghiêm trọng hơn. Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và xâm phạm nhãn hiệu nói riêng làm tổn hại cho doanh nghiệp sản xuất chân chính, gây nhầm lẫn, suy giảm lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm đã đăng ký bảo hộ, đồng thời gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Sự phát triển của hoạt động thương mại quốc tế góp phần gia tăng số lượng và sự đa dạng của nhãn hiệu cần bảo hộ. Các quốc gia cần mở rộng đối tượng bảo hộ hướng đến các nhãn hiệu “mới” - nhãn hiệu phi truyền thống. Để hoạt động bảo hộ nhãn hiệu được hiệu quả không thể thiếu sự hợp tác của các quốc gia và các điều ước quốc tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã liên tục thúc đẩy và trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có thể kể đến các hiệp định như CPTPP, EVFTA và RCEP. Các FTA này đều giành một phần để quy định về sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ nhãn hiệu nói riêng, trong đó có nhãn hiệu phi truyền thống. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu (i) cơ chế bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống trong pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ và (ii) trong quy định của CPTPP, EVFTA và RCEP. Từ đó, bài viết (iii)đánh giá sự tương thích của pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay và (iv) những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam sau khi trở thành thành viên của các FTA này.
Từ khóa: bảo hộ nhãn hiệu, FTA thế hệ mới, nhãn hiệu phi truyền thống, luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi